Huy Phạm chơi với mộc

Huy Phạm chơi với mộc

Mộc với Huy, không chỉ là gỗ, là nghề truyền thống, không chỉ là sự giản đơn; mộc còn là chất, là sự sáng tạo. Trò chuyện về nghề, thấy ở chàng trai 8X ấy tình yêu vô bờ với gỗ, say gỗ tột độ bởi “càng tìm hiểu về gỗ, tôi thấy gỗ có tính cách như con người”.

Làm kiến trúc, nhưng đồng nghiệp hay đùa vui anh là thợ mộc, có phải do anh chọn nghề mộc để phát triển hay vì lý do nào khác?

Dông dài một chút về bản thân, thuở nhỏ tôi rất ham chơi, lười học, nhưng thích vẽ, có chút cảm xúc với mộc bởi gia đình có bác tôi theo nghề.

Khi học kiến trúc, tôi cũng tham gia thiết kế, nhưng có lẽ nghề mộc sẵn trong máu, qua chuyến đi các nước trong khu vực và châu Âu, tôi nhận ra nghề mộc truyền thống đang mai một dần, việc khai thác gỗ rừng nguyên sinh vô tội vạ, đi ngược với sự phát triển của tự nhiên, nên tôi quyết định rẽ hướng, vẫn giữ nghề thiết kế kiến trúc song song với xây dựng và phát triển nghề mộc nhưng theo tư duy bền vững. 

Làm mộc, nguyên liệu chính là gỗ, ai cũng hiểu rừng khắp thế giới ngày càng thu hẹp, khái niệm “bền vững” nghe rất trừu tượng, anh có thể chia sẻ chi tiết?

Va chạm với gỗ, tôi thấy nó có đặc tính và cảm xúc như con người, làm mộc dễ nhưng hiểu gỗ khó. Tôi luôn nghĩ cách tuần hoàn nguyên liệu áp dụng trong sản xuất. Toàn bộ gỗ dùng chế tác, đều là gỗ trồng, tận dụng nguyên liệu tối đa, gỗ thừa ra khỏi xưởng chỉ là dăm bào, mạt cưa.

Bên cạnh việc thi công, tôi tham gia nghiên cứu vùng nguyên liệu (chủ yếu là gỗ teak - giá tị), lập nhóm trồng rừng. Trồng cây gỗ teak, mất 15 - 20 năm mới khai thác được, nếu sản xuất mộc theo lối cũ, trồng bao nhiêu cũng không đủ dùng. 

Vì sao lại là cây giá tị (gỗ teak)?

Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về gỗ giá tị và nhận thấy Việt Nam có rất nhiều cánh rừng lớn ở La Ngà (Đồng Nai), Sơn La… Những nước như Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar… cũng đều có gỗ giá tị.

Loại gỗ này ưa độ ẩm, sinh trưởng tốt trong môi trường nhiệt đới, có độ cứng cao, nhẹ, không cong vênh, chống nước, chống mối mọt, nấm mốc, rất phù hợp cho trồng trọt và sử dụng ở Việt Nam. 

Nghiên cứu gỗ giá tị trong và ngoài nước, điều gì khiến anh ấn tượng?

Các nước khu vực, có nhiều rừng teak đặc dụng, lấy ví dụ nguyên liệu tôi đang sử dụng nhập từ Lào, gỗ trồng trong giai đoạn 1980 - 1990 ở Luang Phrabang. 45% rừng trồng ở Indonesia (khoảng 1 triệu hecta) là gỗ teak.

Tôi quan niệm, trồng rừng, hoặc là đã trồng, hoặc ngay bây giờ, đừng để đến ngày mai.

Cây teak du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930, đến những năm 1950 đã có gần 200 ha rừng teak được trồng tập trung ở Định Quán (Đồng Nai), và cho đến nay nơi đây vẫn là nguồn cung cấp cây giống cho cả nước. Diện tích rừng teak ở Việt Nam ước tính hơn 2.500 ha, còn quá khiêm tốn.

Qua các chuyến khảo sát, nghiên cứu, tôi quyết định góp sức trồng rừng, lập nhóm có tên 282 Teak Forest, nhân giống teak từ vùng Đông Nam bộ và Sơn La về hai vườn ươm ở Quảng Bình và Bắc Ninh trồng cho 200 ha rừng đặc dụng trên Bắc Kạn.

Tôi quan niệm, trồng rừng, hoặc là đã trồng, hoặc ngay bây giờ, đừng để đến ngày mai. 

Trở lại chuyện nghề, có nguyên liệu gỗ, nhưng thợ mộc truyền thống ở các làng nghề ngày càng giảm, anh nhận định gì về điều đó?

Nói đến thợ thủ công truyền thống Việt - không riêng nghề mộc - là tồn tại trong dân gian, nặng đặc tính cá nhân, thiếu thiên hướng tập thể. Tìm được thợ làm việc cùng mình đã khó, giữ họ còn khó gấp vạn. Để giúp họ giữ nghề, việc đầu tiên tôi làm là xây dựng tinh thần lớn, hướng đi lớn, tạo cho thợ thấy những thứ họ làm rất giá trị, và thợ là người nặng trách nhiệm giữ nghề, giữ kỹ thuật thủ công. Tôi không tiếc gì với thợ từ nguyên liệu cho đến thời gian.

Về mặt cá nhân, cuối tuần xưởng cho thợ nghỉ, được hỗ trợ tiền xe về quê, tôi nhấn mạnh gia đình phải là cốt lõi để thợ sống, làm việc với trách nhiệm. Thường ngày, tôi làm việc như một người thợ, không phân biệt chủ - thợ nên anh em quý mến, ở lại với mình, cũng là cách giữ họ lại với nghề. 

Không gian xưởng mộc 282 Design đang được Huy Phạm phát triển thành không gian sáng tạo dành cho các nhà thiết kế.

Làm việc với những “siêu sao” của nghề mộc thủ công, để họ làm việc thuận theo ý mình, anh thấy dễ hay khó? 

Cực khó lúc ban đầu. Tôi không lấy yếu tố cá nhân để áp đặt vào công việc, mà lấy tinh thần tập thể xây dựng thói quen. Chẳng hạn không hút thuốc, luôn có tư trang bảo hộ, giày dép, áo quần, giờ làm việc phải tập trung, không điện thoại, không nói chuyện riêng. Nhiêu đó thôi mất ít là 5 - 7 năm thợ mới theo được. 

Nhiều nhận xét về không gian làm việc của 282 Design là hồn cốt Á nhưng phong cách lại Âu? 

Tôi thường kết hợp cùng các kiến trúc sư đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở châu Âu nhằm học hỏi các công ty, nhà máy sản xuất ứng dụng như tôi đang thực hiện. Tôi nhận ra nếu theo công nghiệp hóa như Đức thì muôn đời chỉ chạy sau, nhưng khi sang Đan Mạch, cách làm của họ là kết hợp giữa khoa học và kỹ thuật con người. Tôi ứng dụng chi tiết đó vận hành công ty và xưởng vì người Việt Nam mạnh về thủ công mỹ nghệ, cần học thêm tinh thần tiết chế, tiết kiệm, thuận với thiên nhiên như người Bắc Âu. 

Cứ sau mỗi công trình, tôi lại sáng tác ra vài sản phẩm nhỏ áp dụng vào không gian như bồn tắm, ghế, giá sách, giường, tủ, vách, kệ tivi… vừa là thí nghiệm, vừa sử dụng kiến trúc đưa ý tưởng thiết kế vào thực hành. 

Là kiến trúc sư, anh quan niệm thế nào về một ngôi nhà của gia đình hiện đại và anh thể hiện không gian sống ấy như thế nào?

Khi thiết kế, tôi luôn tạo không gian thuộc tính tự nhiên. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu tính cách từng thành viên gia đình, biến ngôi nhà bề ngoài như vỏ kén chung, nhưng chi tiết là sự hợp thành các thành viên gia đình.

Mỗi không gian có một cảm xúc, tính năng riêng. Đồng thời các không gian đều hướng về cuộc sống tích cực. Ngôi nhà phải là nền tảng để khuyến khích mọi người trong gia đình tụ họp, tương tác, vận động, cười đùa.

Huy Phạm trong lần khảo sát rừng teak đặc dụng ở Định Quán mùa khô 2020. 

Không gian chung được thiết kế đẹp, kích thích chuyện sắp xếp dọn dẹp nhà cửa, đấy là cách tạo năng lượng, tạo tính tương tác, không để thành viên gia đình tự nhốt vào hộp, khép kín ở phòng riêng. Cứ sau mỗi công trình, tôi lại sáng tác ra vài sản phẩm nhỏ áp dụng vào không gian như bồn tắm, ghế, giá sách, giường, tủ, vách, kệ tivi… vừa là thí nghiệm, vừa sử dụng kiến trúc đưa ý tưởng thiết kế vào thực hành. 

Được biết anh đang xây dựng không gian xưởng 282 Design thành một không gian sáng tạo dành cho các nhà thiết kế, anh kỳ vọng gì ở sân chơi này? 

Tôi đang vận hành một không gian có tên S+ (Six Senses Space), gồm sáu giải pháp kiến trúc thuộc các mảng thiết kế, kiến trúc, gỗ, ánh sáng, điện lạnh, rèm, nhà thông minh. Đây cũng là nơi mọi người đến tham quan, trải nghiệm ngôi nhà hiện đại theo tinh thần Á Đông.

Ở khía cạnh khác, tôi thấy đời sống thực hành nghề thủ công cho người thiết kế thiếu trầm trọng nên quyết định tạo dựng sân chơi dành cho các nhà thiết kế. Mọi người tự do đến tham quan tìm hiểu thông tin về chế tác, sản xuất gỗ, về không gian trưng bày dụng cụ mộc truyền thống, được thực tập những việc nhỏ nhất như bắt vít, liên kết vật liệu, khớp mộng…

Một ứng dụng giải pháp gỗ của Huy Phạm trong ngôi nhà hiện đại.

Không gian này giúp người thiết kế có nơi nghiên cứu, thực hành, có trải nghiệm làm việc như người thợ. Qua thời gian các bạn sẽ cho ra sản phẩm, đưa vào sản xuất sẽ có nguồn thu, kích thích đam mê nghiên cứu và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Người nước ngoài đến Việt Nam muốn tìm hiểu làng nghề, cũng có thể đến sân chơi này tham quan trải nghiệm các dụng cụ về nghề, sản phẩm, trò chuyện cùng thợ thủ công…

Tất cả đều là văn hóa, là giá trị, nếu không quan tâm sẽ phí hoài. 

Link tham khảo: https://nguoidothi.net.vn/huy-pham-choi-voi-moc-23748.html

1