Huy Phạm: “Trồng cây – hoặc đã, hoặc đang trồng.”

Huy Phạm: “Trồng cây – hoặc đã, hoặc đang trồng.”

Chuyện của Huy chuyện của "Mộc" được http://longandshort.vn/interview.../huy-pham-nguoi-yeu-moc/ chia sẻ.

Khoảng thời gian khi bắt đầu vào làm kiến trúc, mọi thứ khác đi như thế nào so với những gì anh mường tượng về nghề này?

Trước đây làm kiến trúc, anh cũng tham gia thiết kế nhưng chỉ làm theo đề bài của chủ đầu tư. Lúc đó, anh nghĩ kiến trúc cần đẹp và đầy đủ công năng.

Trong cơn lốc “đô thị hóa”, nhà dân xây dựng tràn lan dọc theo các đường phố, len lỏi vào các ngõ ngách, mặt nhà hẹp 4 – 7m, cao 2 – 5 tầng. Phong cách kiến trúc đa dạng, thường là sự chắp vá, bắt chước các phong cách khác nhau: hiện đại, cổ điển, phương Tây…. Những ngôi nhà ở hoặc khu dân cư có phong cách rõ ràng, trang nhã là rất hiếm.

Những ngôi nhà có công năng cơ bản, đóng cửa lại nhốt trong cái hộp 4 bức tường, may mắn lắm thì có cửa sổ, bố mẹ luôn áp đặt cảm quan của con, thuê thiết kế mà quên đặt câu hỏi thực sự là “tụi nhỏ muốn căn phòng và nơi sống của mình ra sao?”. Những sự chịu đựng đó thay vì được thấu hiểu thì dần bị coi là một điều hiển nhiên. Nghĩ rằng nếu sau này có con và ở một ngôi nhà như anh đang vẽ thì sẽ là sai lầm, anh học kiến trúc để làm những điều hay ho chứ không phải để lại những sản phẩm ngược tự nhiên. Năm 2008, anh dừng công việc làm theo đơn đặt hàng và ý thức mình cần phải làm điều gì đó khác đi. 

Anh bắt đầu thay đổi từ điều gì?

Người ta hay bảo rằng việc “Đi” quan trọng hơn “Làm” vì ngộ ra được nhiều điều dễ dàng hơn. Anh dành thời gian vào việc tự học, hoặc là đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm học hỏi các nước phát triển như ở Tây Âu, Nhật Bản,.. Anh nhận ra nếu theo công nghiệp hóa thì muôn đời ta chỉ chạy sau họ, nhưng nếu kết hợp giữa kỹ thuật và thủ công thì đó là một thế mạnh ở Việt Nam. Anh chọn phát triển ngành gỗ theo hướng Đan Mạch đã đi.

Anh nhớ sinh viên Việt Nam nhiều người rảnh thì ăn uống tụ tập, chơi game,.. nhưng người trẻ ở các nước phát triển, phần lớn họ sẽ vào thư viện đọc sách, tự mày mò nghiên cứu khoa học. Ở các nước phát triển chậm, thì ta chặt cây không thương tiếc, còn ở các nước phát triển, họ lại đi trồng rừng,.. Đến lúc phát triển công nghệ, người Việt ta thích mọi thứ trên điện thoại, tivi,.. nhưng người phương Tây thì dành thời gian bên con cái, ưu tiên sự gắn kết tự nhiên với những thành viên trong gia đình. Anh thấy mình phải thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, không muốn thụ động nữa. Lúc đó anh 25 tuổi.   

Anh có thể chia sẻ vì sao khi làm mộc anh chỉ chọn cây gỗ rừng trồng?

Năm 2008 anh biết được có tình trạng rừng Việt Nam bị khai thác rất nhiều, khai thác sang cả rừng của nước bạn Lào, Campuchia, sau đó mượn đường bán gỗ khối hộp, hoặc về làng nghề Việt Nam sản xuất dạng thô chưa lắp ráp và bán sang Trung Quốc, họ về sơ chế lại rồi bán giá sản phẩm làm ra cao gấp 20 – 30 lần. Người Việt Nam mình khi đó giống như người làm chân tay, đi chặt gỗ trái phép của các nước, để lại đồi trọc, làm thượng nguồn mất đi lớp rào bảo vệ, vì vậy lũ lụt, hạn hán xảy ra nhiều hơn. Cây hàng trăm, hàng nghìn năm mà mình lại chặt về làm đồ của riêng mình. Đó là sự tận diệt.

Các nước phát triển anh thấy bên họ sử dụng cây rừng trồng và đặc biệt là gỗ Teak rất được ưa chuộng làm nội thất và du thuyền. Qua tìm hiểu anh biết đó là cây nhiệt đới ở Việt Nam mình có trồng nhưng dân ta chỉ thích các loại cây gỗ quý như lim, hương, trắc nguyên sinh nên mới dẫn đến tình trạng chặt phá rừng. Lúc đó anh biết mình quyết định mình sẽ làm nghề chế tác gỗ và nhất định phải là cây rừng trồng để duy trì sự bền vững. Logo của 282 Design bao gồm hai hình tròn, nó như đại diện cho những vòng vân gỗ. Mỗi nhát chặt cây sẽ lộ dần ra vòng tròn ở thân gỗ, vòng tròn đó tương ứng với số tuổi của cây.

"Trồng cây cũng như trồng người. Hoặc là đã hoặc đang trồng."

Quá trình tìm những người đồng hành đó bắt đầu như thế nào vậy anh Huy?

Năm 2008, anh bắt đầu chạy xe Dream từ hồi sinh viên đi khắp nơi tìm thợ, nhưng họ thường không ở lâu, chỉ khoảng vài một tuần hoặc một vài tháng lại rời đi. Thợ khi làm thường vứt cưa, đục lung tung dưới đất rồi chẳng may đứt tay là chuyện bình thường. Họ biện minh chúng là thói quen khó đổi và rời đi dù được trả lương cao hơn so với các làng nghề. Sau đó anh dừng tìm và quyết định chuyển hướng sang đào tạo. Anh tự mày mò học cách sản xuất, cách pha gỗ, cách tận dụng gỗ như thế nào,.. Và trong suốt gần 2 – 3 năm sau đó, anh vẫn chưa có sản phẩm để bán vì tiêu chuẩn mình đặt ra phải bằng chất lượng nội thất nhập Đan Mạch, tiêu chuẩn như vậy cao quá. Anh bán dần các mảnh đất dành dụm mua được, vay tiền người thân để thực hiện bằng được dự định của mình. Mãi tới 2013, anh mới mở được một showroom nhỏ, bán những gì anh cho là tốt nhất có thể.

Dần dần tiếng lành đồn xa, anh em thợ trẻ đến học nghề và ở lại làm. Và nếu ai không cùng suy nghĩ, họ rời đi là sự tất yếu, bộ lọc nhân sự tự nhiên sẽ tìm ra những người cùng chung niềm tin và lý tưởng với mình.

Anh có phải là người trau chuốt mọi sản phẩm mình làm ra? 

Không có tác phẩm nào tự nhiên đến, vì để làm ra được, chúng ta phải suy tư, ấp ủ và nghiên cứu trong hàng năm dài. Anh muốn sản phẩm của mình phải mang giá trị lâu đời và sâu rộng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người dùng sử dụng sản phẩm không chỉ bởi sự hoàn mỹ từ kiểu dáng đến chất liệu bền đẹp mà còn bởi giá trị tinh thần trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm mang lại. Hiểu được sứ mệnh đó, người thợ thủ công đã thổi linh hồn vào những thứ họ làm, để: “Mỗi sản phẩm chính là một tác phẩm nghệ thuật đáng trân quý.”

"Người thợ mộc giỏi không sử dụng miếng gỗ tồi cho tấm lát sau lưng tủ, dù chỗ đó không ai nhìn thấy – Cách chúng ta làm một việc là cách chúng ta làm mọi việc. Đó là cả một quá trình hoàn thiện sản phẩm làm ra và rèn luyện bản thân, chỉ cần một sự cẩu thả nhỏ cũng sẽ phá đi toàn cảnh bức tranh."

 

Sự hoàn thiện thường đi kèm với việc giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao. Anh có niềm tin vào việc sản phẩm của mình sẽ được đón nhận?

Khi ta nấu ăn ngon, đó là cả quá trình từ việc chúng ta chọn miếng xương để hầm, miếng thịt sạch, và nó giúp ta khỏe. Làm mộc anh cũng suy nghĩ như vậy.

"Hãy hiểu trước khi làm."

Có một khách cũng được, nhưng lâu dài, anh sẽ có 2 khách, 3 khách và con số sẽ dần tăng lên. Anh muốn 282 Design là một hệ ý thức để những người em, người con của mình về sau duy trì sự bền vững này. Và may mắn, anh có những khách hàng ủng hộ. Khi thu nhập còn ít, họ mua ủng hộ bằng những lọ dầu Osmo olive lau gỗ thay vì sơn PU độc hại để kéo dài thêm tuổi thọ cho các sản phẩm đang có. Khá giả hơn, họ bắt đầu sắm dần chiếc ghế, chiếc bàn cho ngôi nhà của mình. Họ nhìn nhận được giá trị của một sản phẩm thân thiện bền vững, rằng sau cùng chúng ta quay về ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Năm 2020, Covid đến làm chậm lại mọi thứ, anh có dự định nào ấp ủ muốn thực hiện trong thời gian tới không?

Thay vì đặt nhà máy ở Hà Nội, 282 Design đưa nhà máy về Quảng Bình để sản xuất vì ở các vùng quê tình trạng thanh niên rời quê đi xuất khẩu lao động nhiều, người ở lại đa phần là người già và trẻ nhỏ, anh muốn tạo nhiều việc làm, trồng nhiều cây xanh, anh muốn tạo hướng sản xuất thủ công mỹ nghệ thật tốt để giữ những người yêu nghề mộc truyền thống, để họ có cuộc sống tốt hơn, lúc ấy họ sẽ giữ và truyền nghề, Và nơi đây – 282 Factory là nơi mà sự chia sẻ, thực hành được chú trọng và ưu tiên. Thời gian tới anh cố gắng tổ chức sân chơi để các bạn trẻ có thể tự đến lắp ráp, đan dây, hiểu được làm ra một cái ghế, cái bàn cần nhiều công sức ra sao,…

Anh mở Quỹ 282 Forest để mở lớp đào tạo nghề, tiếp đến là định hướng trồng rừng Teak và cây gỗ nhiệt đới để một phần hạn chế thiên tai lũ lụt, một phần giữ được nguyên liệu sản xuất cho các thế hệ về sau, kể cả khi anh không còn tồn tại thì các em và con cháu mình tiếp tục, nếu được vậy nó sẽ thành sự bất tận và lan rộng xa hơn nữa. Một xã hội mạnh khi có nhiều người trẻ cùng chung tay tạo thành sự cộng hưởng.

"Khi chặt 1 cây thì phải trồng lại 100 cây hoặc hơn thế nữa."

Kim chỉ nam của anh trong toàn bộ cuộc sống ở thời điểm này là gì?

Anh luôn đặt quan niệm “Thuận tự nhiên” lên trên tất cả những gì xoay quanh cuộc sống của mình. Thuận là tạo sự hòa hợp, tự nhiên là bản chất vốn có của nó.

Ngày nay phụ huynh ép trẻ con học, là nụ nhưng bắt nở hoa sớm, quên đi cảm xúc của trẻ thơ. Các bạn trẻ đi làm có thu nhập thì lại quấn vào vật chất và phải chứng tỏ được nhiều thứ. Người trung tuổi lại chọn cuộc sống vội vã, luôn tạo áp lực trong việc phải đạt được vị thế, danh vọng này kia, nhưng những cái đó chỉ là bề ngoài. Cái đẹp chiều sâu bên trong lại không rèn dũa, dần dần cuộc sống trở thành vô nghĩa, thiếu lý tưởng.

"Cái đẹp chỉ tồn tại trong một khoảng thời khắc ban đầu và nếu thiếu đi chiều sâu bên trong, cái đẹp đó dần trở thành vô nghĩa."

1